Chi tiết tin tức - Huyện Hải Lăng

Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm xây dựng huyện Hải Lăng giàu đẹp

24/03/2022 576 0

Đúng 18 giờ 30 phút, ngày 19/3/1975, Hải Lăng là huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện lịch sử này, đã mở ra thời kỳ mới trong chương vàng lịch sử hơn 500 năm tạo dựng và phát triển của một vùng đất ở phía Nam của tỉnh.

Hồ Nước chè - diện mạo mới

 

     Từ xa xưa, vùng đất Hải Lăng với những người con thuở “Mở nước và dựng nước” đã có tinh thần can trường không chịu khuất phục trước khó khăn thử thách. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Lăng đã vượt qua biết bao nhiêu hy sinh mất mát, cùng với quân và dân cả tỉnh, cả nước giành lại độc lập, tự do cho quê hương.
     Mảnh đất Hải Lăng còn nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Từ tiến sĩ Bùi Dục Tài - vị đại khoa đầu tiên của xứ Đàng Trong được khắc tên vào Bảng Vàng bia đá Quốc Tử Giám đến thế hệ trẻ Hải Lăng hôm nay, với những vòng nguyệt quế lung linh trên đỉnh cao của cuộc thi trí tuệ “Đường lên đỉnh Olimpia” - là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại của mạch nguồn văn hóa quê hương. Hải Lăng cũng là địa phương có nhiều thuận lợi về địa kinh tế, có bờ biển và các vùng nông giang, bán sơn địa, nằm trong vùng lõi của Khu Kinh tế Đông Nam đang hứa hẹn những chuyển mình có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
     Hải Lăng cũng là mảnh đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử và văn hoá như: Đình Làng Câu Nhi (Hải Tân), điểm vụ thảm sát Mỹ Thuỷ; Di tích Chàm (ở hai xã Hải Xuân và Hải Ba); miếu Ngô Văn Sở (Hải Vĩnh). Phú Long (Hải Phú) là nơi diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị vào tháng 6-1937 và là nơi thành lập một trong những chi bộ ra đời đầu tiên của Đảng bộ huyện Hải Lăng. Đây cũng là căn cứ cách mạng trong thời kỳ ta giành chính quyền tháng 8- 1945. Ngã ba Long Hưng mãi là dấu ấn chiến công lịch sử của một đại đội quân giải phóng chiến đấu ngoan cường đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của Mỹ - Nguỵ trong hơn 81 ngày đêm chúng tái chiếm Hải Lăng và Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hải Lăng còn là mảnh đất chưa đựng nhiều giá trị văn hoá như: Hò Như Lệ, (Hải Lệ nay là thị xã Quảng Trị), nhạc cổ truyền Phú Hải (Hải Ba). Bánh ướt làng Phương Lang, rượu gạo Kim Long được mệnh danh “mỹ tửu”, nước mắm Mỹ Thuỷ (Hải Ba), canh ám làng Lam Thuỷ (Hải Hưng), cháo bột Diên Sanh (Hải Thọ)... là dấu ấn ẩm thực khó quên của một vùng quê vốn sinh ra bài thơ “Than thân da diết”; mà người đời chắc không bao giờ quên nỉ non lời dặn “ chớ than vận khó ai ơi , còn da lông mộc còn chồi lên cây”.
     Nếu ghép vào đời người, có một nhận định: " tuổi 20 là một nửa thành phẩm, tuổi 30 là thành phẩm và tuổi 40 là sản phẩm tinh hoa". Hải Lăng đến mùa xuân này, đã vào tuổi 47 được coi là sản phẩm tinh hoa. 47 năm qua từ mảnh đất hoang tàn cát trắng đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 7,64%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 157,7 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.204 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,34 triệu đồng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và du lịch được duy trì. Nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sỹ và đời sống Nhân dân luôn được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Lễ hội đua thuyền - một trong những lễ hội đặc sắc của huyện Hải Lăng


     47 năm xây dựng và phát triển, Hải Lăng đã làm nên bản lĩnh Hải Lăng. Bản lĩnh đó có thể tóm tắt như sau: Vận dụng sáng tạo chủ trương chính sách, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương nhằm tạo ra những bước đi vững chắc trên từng lĩnh vực; mạnh dạn đề ra nhiều giải pháp mới có tính đột phá; đi tắt đón đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống của nhân dân. Coi trọng công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết và thường xuyên chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong đảng bộ, coi đó là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Làm tốt công tác quần chúng, thực hiện dân chủ cơ sở. Chăm lo nâng cao dân trí, khuyến khích tài năng, huy động tối đa sức mạnh cuả nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân không ngừng được củng cố; niềm tin của nhân dân với Đảng được nâng lên. Đồng thời, hết sức coi trọng công tác cán bộ coi đó là một trong những nhân tố quyết định mọi thành công. Đề cao ý chí tự lực, tự cường phát huy nội lực nuôi dưỡng và khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế tại chỗ, đồng thời tranh thủ ngoại lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xây dựng huyện Hải Lăng trở thành huyện điểm phía Nam của tỉnh.

 

 

Hải Lăng vào mùa gặt


      Với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, với niềm tin, khát vọng phát triển, chắc chắn rằng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Hải Lăng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, đưa Hải Lăng vững bước phát triển để sớm trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị phát triển giàu mạnh.

Tác giả bài viết: Nguồn: tinhuyquangtri.vn

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1578
  • Tổng lượt truy cập7.598.131
https://trienlamso.ictquangtri.vn/
plds
plds
plds
plds
/di-tich-lich-su-van-hoa1
những-bài-hát-về-hải-lăng
LIÊN KẾT TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÁC XÃ, THỊ TRẤN: