Tiềm năng và thế mạnh - Huyện Hải Lăng
Huyện Hải Lăng
Tiềm năng và thế mạnh của huyện Hải Lăng
1. Về vị trí địa lý:
Huyện Hải Lăng có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, nằm trên trục giao thông quan trọng là Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam; phía Bắc giáp huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp Biển Đông và phía Tây giáp huyện Đakrông. Hải Lăng là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh:
- Vùng biển với ngư trường rộng lớn, thuận lợi cho đánh bắt hải sản; vùng cát ven biển thuận lợi cho nuôi thủy hải sản trên cát, phân bố chủ yếu ở các xã vùng biển Hải An, Hải Khê và các vùng cát xã ven biển Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế.
- Vùng đồng bằng với diện tích khá rộng dùng để canh tác cây lúa nước, hoa màu. Bao gồm địa bàn các xã: Hải Quy, Hải Hưng, Hải Định, Hải Phong, thị trấn Diên Sanh và một phần của các xã: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba..
- Vùng gò đồi có tiềm năng phát triển trồng rừng, cây ăn quả và phát triển trang trại tập trung, chủ yếu của các xã: Hải Phú, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường
2. Về tài nguyên thiên nhiên:
2.1. Tài nguyên đất:
Toàn huyện có 11 nhóm đất, gồm 15 loại đất, trong đó, vùng đồng bằng và vùng ven biển 11 loại, vùng đối núi 04 loại. Một số loại đất chính sau đây:
- Nhóm đất cồn cát ven biển
+ Cồn cát trắng (loại đất Cb): Có diện tích 6.614 ha, đã và đang được trồng rừng phòng hộ, nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp.
+ Đất bãi cát ven sông, biển (loại đất Cc): Có diện tích 27 ha, loại đất này có khả năng khai thác để nuôi trồng thủy sản.
+ Nhóm cát ven biển (loại đất C): Có diện tích 4.840 ha, có khả năng khai thác để trồng màu và cây công nghiệp.
- Nhóm đất phù sa được bồi và phù sa ngòi, suối:
+ Đất phù sa được bồi: Có diện tích 2.623 ha, có khả năng khai thác để trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
+ Đất phù sa ngòi, suối: Có diện tích khoảng 20 ha, có thể trồng lúa.
- Nhóm phù sa không được bồi: Có diện tích 1.193 ha, thích hợp cho trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng và đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước: Có diện tích 723 ha, thành phần cơ giới thịt nhẹ, độ phì nhiêu trung bình có thể trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Nhóm đất phù sa glây, thung lũng dốc tụ, đất lầy: Có diện tích 8.495 ha, nhóm đất này đang sử dụng để trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản.
- Nhóm đất than bùn: Có diện tích 23 ha, tập tung ở xã Hải Quế có địa hình thấp dễ bị ngập úng.
- Nhóm đất xám bạc màu, đất nâu vàng trên phù sa cổ: Có diện tích 1.052 ha, phân bố ở những nơi có độ dốc từ 0 - 80, không được tưới nước.
- Đất nâu tím trên đá sét tím, đất đỏ vàng trên đá biến chất và đá sét: Thích hợp cho trồng rừng, cây công nghiệp, có diện tích 16.049 ha.
- Đất vàng đỏ trên đá mác ma a xít và vàng nhạt trên đá cát: Có diện tích 3.026 ha, có tầng đất mỏng, thành phần cơ giới nhẹ, độ phì nhiêu kém.
- Đất xói mòn trơ sỏi đá: Có diện tích 780 ha, khó canh tác chủ yếu để phục hồi rừng.
2.2. Tài nguyên nước:
- Với lượng mưa bình quân trên 2.500mm/năm, Hải Lăng có tổng trữ lượng nước hàng năm gần 1,3 tỷ m3 nước.
- Sông ngòi: Trên địa bàn Huyện gồm có 04 hệ thống sông chính:
+ Hệ thống sông Ô Lâu nằm về phía Nam của Huyện, có dòng chính dài khoảng 65 km và bao quát lưu vực có diện tích 855km2, lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 44m3/s, mật độ dòng chảy là 0,81km/km2.
+ Sông Nhùng: Chảy từ vùng đồi núi của huyện, từ xã Hải Lâm chảy qua trung tâm vùng đồng bằng, hàng năm cung cấp phù sa và nước tưới một phần diện tích canh tác cho cả vùng đồng bằng và gò đồi.
+ Sông Bến Đá: Có chiều dài ngắn, chảy từ vùng gò đồi qua địa bàn của xã Hải Trường, hàng năm cung cấp một lượng nước đáng kể cho sản xuất.
+ Sông Vĩnh Định (Sông đào thời nhà Lê): Chảy dọc theo hướng Bắc - Nam, qua trung tâm đồng bằng của Huyện, nối liền sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu, có chiều dài khoảng 20 km. Sông Vĩnh Định có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp nước tưới và tiêu úng về mùa lũ lụt, điều hoà lượng nước trong khu vực.
- Nguồn nước ao, hồ: Trên địa bàn huyện có một số hồ đập quan trọng, phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời góp phần cải tạo môi trường như: Khe Chanh, Miếu Bà, Thác Heo, Khe Rò, Phú Long, Khe Khế...
- Nguồn nước ngầm: Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Quảng Trị, khảo sát trên diện tích 26.898 ha vùng ven biển, đồng bằng và trung du của huyện có tổng trữ lượng nguồn nước ngầm là 53.526.730m3. Nhìn chung, nước ngầm được phân bổ khá lớn, tính chất khá phức tạp, vùng đồng bằng và gò đồi chất lượng khá tốt, tuy nhiên, vùng ven biển nhiều nơi bị nhiễm mặn, một số vùng nước bị phèn hoá.
2.3. Tài nguyên rừng:
Diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 22.754,56 ha, đất rừng sản xuất là 15.868,14ha; đất rừng phòng hộ là 6.886,42ha. Rừng trồng đang phát triển mạnh tại các xã vùng đồi phía Tây của huyện là Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Thượng và Hải Phú với các loại cây chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, phi lao, muồng và một số cây bản địa khác. Đây là vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhựa thông… phát triển trong những năm tới.
2.4. Tài nguyên biển, nuôi trồng thủy sản:
Hải Lăng có bờ biển dài 14 km là bãi ngang, dọc theo 02 xã Hải An và Hải Khê. Ngư trường đánh bắt rộng và không bị giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của địa phương. Vùng biển Quảng Trị nói chung và của Hải Lăng nói riêng là nơi có nhiều loài hải sản quý và thường xuyên được bù đắp như: Các loại tôm, cua, cá hồng, cá mú, cá thu, cá ngừ, mực ống, mực nang, ốc các loại và nhiều loại đặc sản quý khác.
Tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản ở địa phương là khá lớn, Hải Lăng có 416,53 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, hiện nay diện tích trên đã đưa vào sử dụng; Hải Lăng còn có vùng đất cát ven biển khá rộng lớn, có thể khai thác phát triển nuôi tôm thâm canh trên cát theo quy trình công nghiệp.
Ngoài tiềm năng biển nêu trên, Hải Lăng có lợi thế là cảng biển Mỹ Thủy đang được quy hoạch đầu tư xây dựng, bãi tắm Mỹ Thủy là điều kiện để tập trung phát triển du lịch, kinh tế biển và các ngành dịch vụ kèm theo.
2.5. Tài nguyên khoáng sản:
Tài nguyên khoáng sản của Hải Lăng nghèo nàn và phần lớn thuộc nhóm không kim loại. Theo tài liệu điều tra hiện có của Sở Khoa học Công nghệ Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công nghệ ) thì hiện nay Hải Lăng có các loại khoáng sản chủ yếu sau:
- Than bùn: Trữ lượng không lớn, nhiệt lượng có thể đạt tới 3.500 kcal/kg, dùng làm chất đốt và sản xuất phân bón; phân bố Khe Chè (Thị trấn Hải Lăng), trằm Trà Lộc và ở Hải Quế...
- Silicát: Phân bố dọc bờ biển Phía đông của huyện, độ hạt mịn 0,5 - 1mm, thành phần Si02 từ 99,16 - 99,55% chất lượng tốt và trữ lượng khá lớn. Hiện nay đang xây dựng Nhà máy chế biến cát thạch anh và Nhà máy gạch ốp lát cao cấp để khai thác tiềm năng này.
- Titan: phân bố dọc các vùng cát ven biển, tập trung chủ yếu là Hải Khê, Hải Dương.
- Các loại khoáng sản khác: Đất sét phân bố dọc hai bên bờ sông Nhùng, nhất là ở Hải Thượng, trữ lượng C1 + C2 = 3.157.900 m3, hiện nay đang được quy hoạch khai thác sản xuất gạch, ngói cho Nhà máy gạch ngói công suất 20.000 viên/năm. Riêng đất sét ở Hải Chánh đã khai thác với quy mô khá lớn phục vụ cho Nhà máy gạch Tuy nen. Ngoài ra còn một số khoáng sản khác như cuội, sỏi, cát xây dựng, phân bố rải rác ở nhiều nơi trong huyện, trong đó tập trung nhiều ở dọc theo các con sông lớn.
- Đất sét trắng có ở Hải Phú, Hải Thượng.
3. Về kết cấu cơ sở hạ tầng:
3.1. Hệ thống điện:
Huyện Hải Lăng được cấp điện từ hệ thống lưới điện Quốc gia qua 01 trạm 110 KV với dung lượng 25.000 KVA và 158 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng là 34.730 KVA.
Mạng lưới phân phối điện được xây dựng khá đồng bộ, gồm:
- Lưới điện trung áp, dài 176 km.
- Lưới điện hạ áp, dài 310 km
Hệ thống cấp điện được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, 100% số xã (tính đến các khu dân cư) đều có điện, với gần 100% số hộ sử dụng điện; đã đầu tư hệ thống cấp điện đến các cụm Công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.
3.2. Về Bưu chính, Viễn thông:
- Bưu chính:
Toàn huyện có 12 điểm bưu điện văn hóa, 05 bưu cục hoạt động, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn; đặc biệt là việc chi trả lương hưu, chế độ bảo hiểm dài hạn qua hệ thống bưu điện.
- Viễn thông:
Trên địa bàn huyện có 03 hãng điện thoại lớn đang hoạt động là Vinaphone, Viettel và Mobiphone... phạm vi phủ sóng đã được mở ra trên toàn huyện. Chất lượng phục vụ của các hãng điện thoại ngày càng được cải thiện và tốt hơn.
Mạng bưu chính viễn thông những năm trở lại đây đã được đầu tư phát triển nhanh, tiếp cận với công nghệ mới đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng với chất lượng cao.
4. Tiềm năng về du lịch:
Hải Lăng là quê huơng của các danh nhân lịch sử, văn hoá: Đặng Dung, Tiến sĩ. Hải Lăng cũng là mảnh đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử và văn hoá như: đình làng Câu Nhi (Hải Tân), điểm vụ thảm sát Mỹ Thuỷ; Di tích Chàm (ở hai xã Hải Xuân và Hải Ba); miếu Ngô Văn Sở (Hải Vĩnh, nay là Hải Hưng). Phú Long (Hải Phú) là nơi diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị vào tháng 6-1937 . Ngã ba Long Hưng mãi là dấu ấn chiến công lịch sử của một đại đội quân giải phóng chiến đấu ngoan cường đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của Mỹ - Nguỵ trong hơn 81 ngày đêm chúng tái chiếm Hải Lăng và Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hải Lăng còn là mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hoá như: Hò Như Lệ, (Hải Lệ), nhạc cổ truyền Phú Hải (Hải Ba). Bánh ướt làng Phương Lang, rượu gạo Kim Long được mệnh danh “mỹ tửu”, nước mắm Mỹ Thuỷ (Hải Ba), canh ám làng Lam Thuỷ (Hải Hưng), cháo bột Diên Sanh (Hải Thọ)... là dấu ấn ẩm thực khó quên của một vùng quê vốn sinh ra bài thơ “Than thân da diết” mà người đời chắc không bao giờ quên nĩ non lời dặn “ chớ than vận khó ai ơi , còn da lông mọc còn chồi nãy cây”.
Là huyện có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, được xác định là một mắt xích quan trọng trong cụm du lịch phía Nam của tỉnh mà trung tâm chủ yếu là tuyến du lịch Thành cổ Quảng Trị- La Vang - Trằm Trà Lộc- Mỹ Thủy.
- Du lịch thăm các di tích lịch sử và nhân văn: Là mảnh đất có bề dày lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử nổi tiếng, dấu ấn của những năm tháng chiến tranh vĩ đại của đân tộc, huyện đã đầu tư xây dựng Nhà Bảo tàng đi vào hoạt động từ năm 2005. Toàn huyện hiện có 75 di tích được xếp hạng, trong đó có 71 di tích cấp tỉnh và 04 di tích cấp Quốc gia, nhiều di tích nổi tiếng hiện đang được trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa như: Đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài, Nhà thờ Long Hưng, ngã ba Long Hưng, di tích vụ thảm sát Mỹ Thủy, nhà thờ La Vang, nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ (Hải Chánh) - nơi lưu giữ những nét cổ xưa. Hệ thống các di tích lịch sử này được phân bố đan xen ở các địa phương, các vùng, nên thuận lợi cho việc khai thác để phát triển du lịch kết hợp với du lịch văn hoá lễ hội.
- Du lịch biển: Hải Lăng có bờ biển dài 13,5 km thuộc địa phận 02 xã Hải An và Hải Khê. Năm 1996 huyện đầu tư xây dựng bãi tắm Mỹ Thủy đi vào hoạt động phát huy hiệu quả tốt; vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch vào khu kinh tế Đông Nam gắn với cảng nước sâu Mỹ Thủy tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch biển.
- Du lịch sinh thái: Vùng gò đồi phía Tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, vùng đồng bằng có nhiều trằm, các đầm, hồ chứa nước tự nhiên. Đặc biệt là Trằm Trà Lộc với bàu nước tự nhiên diện tích khoảng 10 ha, được bao bọc bởi rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây quý tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn.
Hải Lăng có nhiều sông như: Sông Nhùng, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Vĩnh Định.. nhiều thác ghềnh như: thác Chờng, thác Chàn... ở đầu thượng nguồn những con sông với cảnh quan đẹp và hấp dẫn có thể lập các tuor du lịch trên sông.
- Đang truy cập12
- Máy chủ tìm kiếm6
- Khách viếng thăm6
- Hôm nay3,036
- Tháng hiện tại173,895
- Tổng lượt truy cập5,340,221