Chi tiết tin tức - Huyện Hải Lăng
Huyện Hải Lăng
Hải Lăng-viết tiếp hành trình dựng xây và phát triển.
Hải Lăng là huyện phía Nam của tỉnh Quảng trị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Lăng đã vượt qua biết bao nhiêu hy sinh mất mát để cùng với quân và dân cả tỉnh, cả nước giành lại độc lập, tự do cho quê hương. Đây cũng là địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào ngày 19 tháng 3 năm 1975. 46 năm sau ngày giải phóng, tinh thần ấy vẫn luôn được phát huy trong công cuộc dựng xây và phát triển của mảnh đất anh hùng này.
Ngược dòng thời gian lịch sử, vào thời điểm trước ngày 19/3/1975, Hải Lăng từng là một trong những chiến trường nóng bỏng với nhiều cuộc đối đầu quyết liệt, tàn khốc giữa quân ta và quân địch trong những tháng ngày kháng chiến của dân tộc. Hơn 46 năm trôi qua, thời gian đã làm hồi sinh, khởi sắc và phát triển từ một Hải Lăng vốn hoang tàn đổ nát, đầy rẫy những hố bom bãi đạn. Về với Hải Lăng trong những ngày tháng 3 lịch sử, ông Lê Văn Hoan, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng năm 1975 nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm và đồng chí Lê Thế Quảng - Bí thư huyện ủy Hải Lăng đã gặp nhau trên quê hương Hải Lăng. Hai thế hệ lãnh đạo cách nhau gần nửa thế kỷ. Thế hệ đi trước đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển, các thế hệ sau kế thừa để viết tiếp hành trình dựng xây và phát triển cho miền đất Hải Lăng ngày càng trù phú, thanh bình.
Có mặt tại Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tại xã Hải Thượng, Ông Lê Văn Hoan, nguyên Bí thư Huyện ủy Hải Lăng năm 1975 bồi hồi xúc động chia sẻ những cảm xúc của mình trước sự đổi thay về mọi mặt của quê hương sau 46 năm giải phóng : “Trở lại Hải Lăng trong những ngày này tôi rất vui mừng phấn khởi trước sự đổi mới, phát triển của quê hương. Bây giờ nhớ lại những ngày đầu quê hương mới giải phóng, tôi không thể nói hết sự hoang tàn, đổ nát trên mảnh đất này. Nhưng với ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân, mọi người ai cũng hăng say bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất…Trải qua bao nhiêu khó khăn như thế, nhưng hiện nay huyện Hải Lăng đã vươn mình phát triển khá toàn diện, cuộc sống của người dân được nâng lên về mọi mặt, bản thân tôi rất mừng, phấn khởi và tự hào về mảnh đất này…”.
Tại xã Hải Thượng, một trong những địa phương chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh đã bắt tay vào công cuộc hồi sinh đất đai, làng mạc. 46 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Hải Thượng đã luôn phát huy truyền thống của quê hương trong công cuộc dựng xây và phát triển với mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Hải Lăng. Ông Nguyễn Khắc Xứ - Bí thư xã Hải Thượng cho biết: “Trong tiến trình đổi mới quê hương, Hải Thượng luôn trân trọng kết quả của các thế hệ đi trước để lại và luôn luôn giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng của quê hương để có những đóng góp vào sự phát triển của xã nhà nói riêng và của quê hương Hải Lăng anh hùng nói chung.”. Không chỉ xã Hải Thượng mà toàn bộ 16 xã, thị trấn với những tên đất tên làng gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc giai đoạn 1954-1975 như : Dũng sĩ Phường Sắn, ngã ba Long Hưng, Chi khu quân sự Mai Lĩnh...nay đã trở thành những làng quê thanh bình với nhiều cánh đồng cò bay thẳng cánh, cây cối xanh tươi, những trảng cát trắng trải dài mênh mông, nhiều công trình, nhà máy, cụm Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp mọc lên đầy hứa hẹn. Ông Nguyễn Năng Hợi-Cựu chiến binh xã Hải Phú phấn khởi nói: “Trước đây nhiều nới đồng khô cỏ cháy, nay nhiều công trình, nhà máy mọc lên, chúng tôi rất hoan nghênh và vui mừng. Riêng tại quê hương Hải Phú chúng tôi, từ những hố bom, bãi đạn nay đã phủ lên một màu xanh bạt ngàn của cây trái, nhiều mô hình kinh tế phát triển cho thu nhập cao…chứng kiến sự đổi thay của quê hương, tôi vô cùng phấn khởi…”.
Nhìn lại chặng đường 46 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của một huyện nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hải Lăng đã đoàn kết, nỗ lực, vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng 12,5%, đây là mức tăng cao so với nhiều địa phương khác trong tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,7 triệu đồng. Phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp trên cả 3 tiểu vùng kinh tế: vùng gò đồi, vùng đồng bằng và vùng cát ven biển, Hải Lăng đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nông sản sạch, hữu cơ. Nổi bật là huyện Hải Lăng đã xây dựng và ban hành nhiều Chương trình, Đề án, Nghị quyết chuyên đề cho phát triển nông nghiệp, làm cơ sở để phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn. Với những Nghị quyết, chủ trương đúng đắn, sát với điều kiện thực tế của địa phương, sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự tham gia tích cực của các đơn vị doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng đã đạt được những thành tựu nổi bật, tạo được những dấu ấn và mở ra hướng phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện nhà.
Hải Lăng cũng là một trong những địa phương có nhiều dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới tạo được sự lan tỏa và huy động nhiều nguồn lực xã hội, đến nay đã có 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là tiền đề vững chắc để huyện sớm đạt huyện nông thôn mới trong thời gian tới. Quy mô sản xuất công nghiệp tăng dần theo từng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,5%/năm. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang có bước khởi động tích cực; Khu đô thị - công nghiệp VSIP được nhận diện quy hoạch để đầu tư. Nhiều dự án có quy mô lớn đã được khởi công và đang triển khai thực hiện. Cụm công nghiệp Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh từng bước được lấp đầy, các làng nghề truyền thống nổi tiếng như Rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, chổi đót Vân Phong, mứt gừng Mỹ Chánh…ngày càng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nói về công tác thu hút đầu tư của huyện, đồng chí Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi đã tập trung phối hợp rất tốt với các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để khi nhà đầu tư nhận được quyết định chủ trương đầu tư là chúng tôi bàn giao ngay. Nhờ vậy, trong giai đoạn vừa rồi đến năm 2020 toàn huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hiện nay có một số dự án đi vào sản xuất và thu hút gần 3.000 lao động, từ đó đã góp phần chuyển dịch lao động nông thôn sang lao động phi nông nghiệp thường xuyên và có thu nhập ổn định, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu nền kinh tế của huyện phát triển một cách bền vững.”.
Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Đặc biệt, cùng với cả tỉnh, cả nước thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid -19. Lao động, việc làm được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, trở thành phong trào và nghĩa cử cao đẹp sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Về định hướng phát triển trong thời gian tới để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, ông Lê Thế Quảng- Bí thư Huyện ủy Hải Lăng cho biết : “Để tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của huyện Hải Lăng anh hùng thì tại Đại Hội Đại biểu huyện Hải Lăng nhiệm kỳ 2020-2025, nghị quyết Đại hội đã xác định phấn đấu để huyện nhà sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước năm 2025 và trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh vào năm 2030. Để thực hiện các mục tiêu này thì chúng tôi tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phát huy cho được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, xác định quan điểm phát triển 3 trụ cột gồm : CN-TTCN; nông nghiệp và thương mại-dịch vụ. Trong đó, nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với bảo quản, chế biến và chỉ dẫn địa lý; CN-TTCN thì chú trọng những ngành, lĩnh vực làm vệ tinh cho khu Kinh tế Đông nam tỉnh Quảng Trị; đối với thương mại-dịch vụ thì chúng tôi sẽ hình thành các điểm thương mại-dịch vụ nhằm để kết nối với hành lang Kinh tế Đông-Tây từ cảng Mỹ Thủy với Quốc lộ 15D đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Đây sẽ là cơ hội để huyện Hải Lăng phát triển lên một tầm cao mới.”.
Với truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, với niềm tin, khát vọng phát triển, cùng với những thành tựu đạt được trong 46 năm qua, chắc chắn rằng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Hải Lăng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, đưa Hải Lăng vững bước phát triển để sớm trở thành huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị phát triển giàu mạnh./.
Tác giả bài viết: Quang Giang
- Đang truy cập11
- Hôm nay1388
- Tổng lượt truy cập8.926.206