Chi tiết tin tức - Huyện Hải Lăng
Huyện Hải Lăng
DI TÍCH ĐÌNH LÀNG CÂU NHI VÀ DANH NHÂN BÙI DỤC TÀI
Đây là cụm từ dùng để chỉ những di tích tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật thuộc làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng (nay là xã Hải Phong, huyện Hải Lăng) bao gồm: Đình làng Câu Nhi, chùa Quan Khố - nơi gắn với danh nhân Bùi Dục Tài. Hai địa điểm này nằm gần kề nhau trong một khu vực đầu làng Câu Nhi, trên con đường liên xã nối quốc lộ 1A với các xã Hải Tân, Hải Hòa (nay 2 xã này sáp nhập lại thành xã Hải Phong); ở về phía hữu ngạn sông Ô Lâu (sông phân giới Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) và được 2 nhánh của con sông này bao bọc về cả 3 phía: mặt Nam, mặt Tây và mặt Bắc; cách quốc lộ 1A chừng 4km về phía Đông. Di tích đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 08-QĐ-BVHTT ngày 13/3/2001.
a. Đình làng:
Làng Câu Nhi thuộc xã Hải Tân xưa có tên là Câu Lãm - một làng có tiếng văn vật. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhân vật vang bóng một thời như: Hoàng Bôi, Hoàng Phúc, Trần Hữu Mậu, Bùi Văn Tú, Hoàng Trinh... trong đó, nổi danh là Bùi Dục Tài. Các tài liệu hiện có cho biết làng được thành lập từ đầu thế kỷ XV, nhờ công lao của 12 họ (Bùi, Hoàng, Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Đào, Đỗ, Trương, Phan, Đặng, Đề) trong đó đứng đầu là vị tiền khai khẩn Bùi Trành.
Đình làng Câu Nhi nguyên xưa là một ngôi đình lớn và đẹp có tiếng khắp vùng. Theo Thỉ Thiên thì ngôi đình đầu tiên được dựng lên ở khu đất mà nay còn có tên gọi là cồn đình vào khoảng những năm đầu thời Lê sơ (1428 - 1433). Đến thời Tây Sơn, đình được chuyển đến khu vực đầu làng, ở ven ngã ba sông - tại địa điểm hiện nay. Gia phả họ Bùi cho biết đình được xây dựng vào năm 1879, đến năm 1882 thì hoàn thành. Đây là lần xây dựng đình quy mô. Kiến trúc của một ngôi đình được xây dựng trong thời gian này là một ngôi nhà rường rộng 5 gian 2 chái. Bộ khung gỗ có kết cấu vững chãi, các cột cái bằng gỗ lim có đường kính hơn 0,5m, những cột khác bằng gỗ mít to một người ôm không xuể. Bộ mái lợp ngói liệt. Xung quanh đại đình có tường gạch che chắn ba mặt. Đình làng Câu Nhi trở thành ngôi đình nổi tiếng nhất trong vùng. Dân gian vì thế mới có câu “thùng thình như cột đình Câu Nhi”.
Vào năm 1950, trong thời kỳ Pháp xâm lược, ngôi đình bị đốt cháy hoàn toàn. Năm 1955, làng tổ chức quyên góp tiền của để tu tạo lại, nhưng do không có đủ vật lực nên diện tích ngôi đình phải thu hẹp và diện mạo kiến trúc cũng thay đổi. Đó là hai nếp nhà song ngang theo kiểu chữ nhị làm theo lối nhà rường 3 gian 2 chái. Phía trước là tiền đường, phía sau là chính điện. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đình làng Câu Nhi cũng như bao ngôi đình khác trên vùng đất Quảng Trị không tránh khỏi sự phá hoại của bom đạn. Trong thời gian này, đình Câu Nhi đã qua hai lần trùng tu vào các năm 1967 và 1985. Tuy nhiên, về cơ bản, kiến trúc hiện còn của đình làng Câu Nhi là kết quả của lần trùng tu năm 1955. Năm 1991, xây lại bình phong và cổng thành phía trước.
Đình hiện còn chỉ gồm một ngôi nhà 3 gian, quy mô nhỏ, trải theo chiều ngang, mặt hướng ra sông Ô Lâu. Hai đầu hồi xây tường phẳng, ba phía xây tường gạch, mặt trước lắp đặt hệ thống cửa “thượng song hạ bản”. Cấu trúc kiểu vài chồng, cột nóc. Mái lợp ngói móc. Các họa tiết rồng, giao trên mái tuy không đơn điệu nhưng không có gì đặc biệt. Bình phong và cổng thành xây lại rất quy mô.
Trong khu vực đình có một công trình kiến trúc đáng chú ý là Văn Thánh nằm ở góc Tây bắc, nơi dân làng tạo dựng để thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt ngõ hầu mong mõi con cháu mai sau nối dõi thánh hiền. Trước mặt đình là một chợ làng họp vào mỗi buổi sáng thường ngày, nay vẫn còn nhưng không đông đúc mấy. Phía sau lưng đình làng, đối diện qua con đường là chùa Quan Khố. Trong khuôn viên của ngôi chùa trước đây có ngôi miếu thờ thượng thư Bộ Lễ Bùi Dục Tài (nay chỉ còn nền móng).
Bên trong thờ thành hoàng - một nhiên vị thần không rõ lai lịch và danh tánh cùng nhiều vị nhiên thần và các vị tiền khai khẩn, khai canh, thủy tổ 12 họ tộc.
Lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình làng Câu Nhi có lễ Cầu an (tế thủy tổ 12 họ tộc) tổ chức vào những ngày đầu năm; lễ tế ngài khai khẩn Bùi Trành vào ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch; lễ tế tại khu Văn Thánh vào các ngày đinh của tháng 2 hoặc tháng 8, lễ tế 4 họ thất truyền: Trương, Phan, Đặng, Đề. Vào những dịp tế lễ, dân làng thường tổ chức hội làng với các trò diễn, trò vui như: đua thuyền, hội chợ, đánh đu, chơi cờ...
Đình làng Câu Nhi trong tiến trình lịch sử của mình là nơi xảy ra nhiều sự kiện gắn với làng Câu Nhi và vùng đất Hải Lăng/Quảng Trị. Dưới thời Mạc (1527 - 1592), nhân dân Câu Nhi do quan tướng địa phương Hoàng Bôi lãnh đạo đã dùng đình làng làm nơi hội họp, rèn luyện võ nghệ, tích trữ lương thực. Cuộc khởi nghĩa Hoàng Bôi đã để lại những dấu ấn lịch sử trên vùng đất bên bờ sông Ô Lâu.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đình làng Câu Nhi là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hải Tân - nơi lần đầu tiên người dân bên bờ sông Ô Lâu được cầm lá phiếu bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là người dân làm chủ. Đây cũng là nơi tổ chức hội họp, luyện tập tự vệ, thực hiện các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, tuần lễ vàng...
b. Danh nhân Bùi Dục Tài và di tích liên quan
Làng Câu Nhi từ xưa vốn nổi tiếng là đất văn vật, nơi xuất thân của nhiều vị thượng thư, quan tướng, cái nôi của nền học vấn, khoa cử xứ Đàng trong. Trong số rất nhiều nhân vật có tên tuổi ở làng Câu Nhi thì Bùi Dục Tài nổi lên như là một ngôi sao của đất Ô Lâu - người được coi là tiến sĩ khai khoa của xứ Đàng trong, nhân vật làm rạng danh truyền thống học hành, khoa cử của làng Câu Nhi và của Quảng Trị.
Bùi Dục Tài có hiệu là Minh Triết, sinh năm Đinh Dậu (1477), con của Bùi Sĩ Phường, cháu đời thứ 5 của ngàu thủy tổ Bùi Trành. Từ nhỏ, do ý thức bất đồng về thái độ làm việc của các quan lại địa phương, Bùi Dục Tài đã nuôi chí học hành với mong muốn đỗ đạt, ra làm quan để giúp dân. Bằng ý chí vượt khó, tư chất thông minh, chỉ trong vòng 12 năm (1490 - 1501) Bùi Dục Tài đã tỏ tường Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo...
Năm Tân Dậu, Cảnh Thống thứ 4 (1501), Bùi Dục Tài đỗ khoa thi hương; mùa xuân năm 1502, đỗ khoa thi hội; tiếp đó, trong kỳ thi đình tại Thăng Long, ông đỗ Tiến sĩ xuất thân đệ nhị giáp. Sự kiện Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ trong khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đã làm nức lòng người dân vùng Thuận Hóa. Đây là lần đầu tiên một nho sinh Đàng trong trở thành một vị đại khoa, được khắc tên vào bảng vàng bia đá tại Văn miếu Quốc tử giám. Năm ấy, Bùi Dục Tài 25 tuổi.
Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Bùi Dục Tài được triều đình bổ làm quan với chức Hàn Lâm Hiệu Lý rồi được thăng Tham Chính đạo Thanh Hóa. Năm 1509, niên hiệu Hồng Thuận ông được thăng làm Lại Bộ Tả Thị Lang. Dưới triều Lê Chiêu Tông, ông giữ chức Tham tướng và trong một lần đem quân đi dẹp loạn ở Thuận Hóa (năm 1516), ông đã bị gian đảng sát hại. Sau khi ông mất, vua Lê truy tặng chức Lễ Bộ Thượng Thư.
Liên quan đến Bùi Dục Tài có nhiều địa điểm di tích như: khu Văn thánh, lăng mộ ông, nhà thờ họ Bùi, miếu thờ làng Cẩm Thạch, chùa Quan Khố... Trong tất cả các địa điểm này thì chùa Quan Khố được xem là di tích điển hình hơn cả.
Chùa Quan Khố nằm đầu làng Câu Nhi, cách đình làng 50m về phía Đông Bắc, là một ngôi chùa được xây dựng khá sớm trên vùng đất Quảng Trị. Theo bản Thỉ Thiên và những lời tương truyền thì dưới thời nhà Minh xâm lược, nhân dân Câu Nhi và trong vùng dưới sự chỉ huy của các tướng địa phương như Tổng binh sứ Phạm Duyến, Tướng công Nguyễn Chánh... đã lấy khu đất bên bờ sông Ô Lâu thuộc làng Câu Nhi để làm nơi luyện quân. Họ đã dựng nhiều nhà kho để tích trữ vũ khí, quân lương... Khi đất nước thái bình, những quan khố này vẫn còn. Trong những năm dưới thời vua Lê Tương Dực (1509 - 1516), Bùi Dục Tài đã xin triều đình cho tu bổ một trong các quan khố trong làng để làm chùa và được gọi tên là chùa Quan Khố. Từ đó đến nay, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần hư hại và nhiều lần trùng tu.
Từ thế kỷ XIX trở về trước, kiến trúc ngôi chùa là một ngôi nhà rường bằng gỗ, 3 gian, 2 chái; bố trí mặt bằng theo chiều dọc, mái lợp ngói. Từ khoảng những năm đầu thế kỷ XX, ngôi chùa được tu sửa lại, mở rộng khuôn viên và xây dựng thêm hệ thống cổng ngõ, tam quan bằng gạch, đắp vữa, ghép mảnh sành ở phía trước. Năm 1949, chùa bị giặc Pháp đốt cháy, chỉ còn lại cổng tam quan. Từ đó đến nay đã có nhiều lần tu sửa, tôn tạo vào các năm 1959, 1985, 1988 với lối kiến trúc sử dụng gạch, xi măng. Hiện trạng ngày nay là kết quả của lần tu tạo năm 1988 gồm một ngôi điện thờ Phật có diện tích vừa phải được xây dựng bằng xi măng cốt thép với một nếp nhà ngang phía trước làm tiền đường và một nếp nhà dọc làm chính điện và hậu liêu. Phía trước còn lại một cổng tam quan xây bằng gạch mở 3 lối đi vào sân chùa nhưng phần trên có gác vọng lâu vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Bên trong chùa, ở gian chính điện thờ Phật Thích ca, gian tả, hữu thờ Địa Tạng và Quan Thế âm bồ tát cùng các vị thần thuộc bổn tổ quý tộc, quý phái, bổn thổ khai khẩn, khai canh, thủy tổ 12 họ tộc. Hậu liêu thờ tổ sư Đạt ma, Tả Đông chinh Thành hoàng, Hữu Dực thánh Thành hoàng và Hoàng Bôi cùng các vong linh Phật tử ký thác cho chùa.
Trong khuôn viên chùa trước đây có 4 ngôi miếu được xây dựng theo lối kiến trúc là bộ khung gỗ theo kiểu nhà rường, dạng sàn gác lửng có 4 cột, mái lợp ngói liệt. Đó là ngôi miếu thờ Bùi Dục Tài - người sáng lập ra chùa; miếu thờ Hoàng Bôi - một viên tướng thời Mạc cùng 2 ngôi miếu thờ cô hồn và các họ thất truyền. Những ngôi miếu này hiện không còn, tất cả đã bị hư hại; duy chỉ còn một bệ đá hình rùa vốn là bệ bia ghi danh Bùi Dục Tài.
Đình làng Câu Nhi và chùa Quan Khố cũng như cuộc đời sự nghiệp của vị Tiến sĩ khai khoa Bùi Dục Tài trong quá trình tồn tại đã qua nhiều biến thiên thăng trầm; những gì còn lại so với ngày xưa dẫu có quá ít nhưng đó là những sản phẩm văn hóa được tích hợp sau một chặng đường khá dài của đất và người làng Câu Nhi trên hành trình chinh phục và đấu tranh để tạo dựng quê hương, làng xóm.
Theo: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị)
- Đang truy cập102
- Hôm nay587
- Tổng lượt truy cập7.552.437