Chi tiết tin tức - Huyện Hải Lăng

Huyện Hải Lăng
Tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15
Luật Di sản văn hóa 2024 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 23/11/2024. Ngày 20/12/2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
1. Bố cục và phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa 2024:
1.1. Bố cục của Luật:
Luật Di sản văn hóa gồm 09 chương, 95 điều, tăng 02 chương, 22 điều đã thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hoá và di sản văn hoá, khắc phục, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, với những điểm mới, thay đổi mang tính đột phá, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hoá, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của cả nước, của các địa phương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, với các nội dung cơ bản sau:
a) Chương I. Những quy định chung, gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Sở hữu di sản văn hóa; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và các hành vi nghiêm cấm. …
b) Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 10 đến Điều 20).
Chương này quy định: Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; Danh mục, danh sách và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể; Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; Duy trì thực Ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; Chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; Duy trì thực hành, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể; Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê và ghi danh; Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; Biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; Biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống.
c) Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 02 mục và 30 Điều.
- Mục 1: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, gồm 19 điều (từ Điều 21 đến Điều 39) quy định các nội dung: Các loại hình di tích; Tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình; Kiểm kê di tích và Danh mục kiểm kê di tích; Xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích, di sản thế giới; Hoạt động phát huy giá trị di tích; Khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, thực hiện các hoạt động trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; Dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ, thực hiện hoạt động trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; Dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ, thực hiện hoạt động nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, nằm ngoài vùng đệm của khu vực di sản thế giới; Đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; Tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích; Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích; Quy hoạch khảo cổ; Quản lý, bảo vệ địa điểm, khu vực khảo cổ; Thăm dò, khai quật khảo cổ.
- Mục 2: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, gồm 13 điều (từ Điều 39 đến Điều 52), quy định các nội dung: Phân loại và xác định di vật, cổ vật; Giám định, điều kiện thực hiện giám định di vật, cổ vật; Sưu tầm, kiểm kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Đăng ký di vật, cổ vật; Công nhận, công nhận bổ sung, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Bảo quản, phục chế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm, nhà trưng bày, thiết chế văn hoá khác; Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài; Thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
d) Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, bao gồm 11 điều, (từ Điều 53 đến Điều 63)
Chương này quy định các nội dung: Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu; Kiểm kê di sản tư liệu và Danh mục kiểm kê di sản tư liệu; Danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung di sản tư liệu; Ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu; Bảo quản di sản tư liệu; Nghiên cứu và sưu tầm di sản tư liệu; Phục chế di sản tư liệu; Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng; Đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Đưa di sản tư liệu được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài; đưa di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; Bản sao của di sản tư liệu.
đ) Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 64 đến Điều 77)
Chương này quy định các nội dung: Hệ thống bảo tàng Việt Nam; Thành lập bảo tàng công lập; Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bảo tàng công lập; Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; Nhiệm vụ của bảo tàng; Xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng và thẩm quyền xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng; Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày bảo tàng công lập; Hoạt động sưu tầm hiện vật của bảo tàng; Hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa hiện vật của bảo tàng; Hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng; Hoạt động trưng bày hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng; Hoạt động giáo dục của bảo tàng; Hoạt động truyền thông của bảo tàng; Hoạt động dịch vụ của bảo tàng.
e) Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, gồm 04 điều (từ Điều 78 đến Điều 81)
Chương này quy định các nội dung: Kinh doanh bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Kinh doanh giám định di vật, cổ vật; Kinh doanh di vật, cổ vật; Kinh doanh dịch vụ bảo tàng.
g) Chương VII. Điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 82 đến Điều 90)
Chương này quy định các nội dung: Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử; Xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Sử dụng, khai thác di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
h) Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 03 điều (từ Điều 90 đến Điều 92)
Chương này quy định các nội dung: Trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa
i) Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 93 đến Điều 95)
Chương này quy định các nội dung về: Sửa đổi, bổ sung luật có liên quan; Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp.
1.2. Phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hoá năm 2024
Luật Di sản văn hoá năm 2024 quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 1).
2. Một số nội dung trọng tâm và điểm mới trong Luật Di sản văn hóa 2024
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18/6/2009, Luật Di sản văn hóa năm 2024 được xây dựng tập trung làm rõ 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: “Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng. Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chính sách 3: Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. So với Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2009/QH12 hiện hành, Luật Di sản văn hóa 2024 có những điểm mới cơ bản như sau:
(1) Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan;
(2) Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, số hóa di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử;
(3) Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
(4) Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn;
(5) Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích;
(6) Quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp;
(7) Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; quy định xã hội hóa, hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa;
(8) Quy định chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu;
(9) Bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng;
(10) Bổ sung quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.
Xem Chi tiết tại đây: 👉 Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15
Phòng Văn hóa và Thông tin
- Đang truy cập11
- Hôm nay186
- Tổng lượt truy cập8.953.486